Giới thiệu về các kỳ thi đánh giá năng lực của OLM
Admin (a@olm.vn)
9 tháng 2 2023 lúc 10:56
1) Các kỳ thi đánh giá năng lực tuyển sinh vào các trường đại học.
Năm 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt Chương trình giáo dục phổ thông mới (CT GDPT 2018) và bắt đầu từ năm học 2020-2021 triển khai Chương trình mới này. Ý tưởng cơ bản của đổi mới chương trình lần này là: chuyển việc dạy và học từ truyền thụ kiến thức, nội dung sang việc phát triển năng lực, phẩm chất của người học. Việc kiểm tra đánh giá vì thế mà cũng được đổi mới, hướng tới việc đánh giá năng lực, kĩ năng của học sinh.
Cùng với đó, kỳ thi THPT Quốc gia cũng được đổi tên là kỳ thi THPT với mục tiêu chính là để xét tốt nghiệp (trước 2020, ngoài mục đích để xét tốt nghiệp ra còn mục đích xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng). Việc tuyển sinh đại học và cao đẳng sau năm 2020 do các trường tự tuyển sinh, và nhiều trường đại học lớn, có tính cạnh tranh cao như Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN), Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh (ĐHQGHCM), Đại học Bách khoa Hà Nội (ĐHBKHN), Đại học Sư phạm Hà Nội (ĐHSPHN), v.v. đã tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực (ĐGNL) riêng để tuyển sinh cho trường mình và các trường liên kết.
Mục tiêu của các kỳ thi ĐGNL tuyển sinh vào các trường đại học nhằm đánh giá các năng lực, kĩ năng của học sinh đã học ở trung học mà cần thiết cho việc học tập ở bậc đại học. Vậy những loại năng lực, kĩ năng nào là cần thiết cho việc học lên đại học? Có hai cách tiếp cận. Cách thứ nhất là tùy theo chuyên ngành ở bậc đại học, chúng ta thường xác định một cách định tính rằng: học sinh học chuyên ngành này thì ở bậc phổ thông phải giỏi các môn nào đó, ví dụ ngành Khoa học máy tính thì các năng lực liên quan đến môn Toán, Vật lý, Ngoại ngữ. Hiện nay hầu hết các trường đại học vẫn áp dụng tuyển sinh theo cách này, dựa trên điểm thi của một số tổ hợp các môn của kỳ thi Trung học phổ thông (THPT) mà xét tuyển vào các chuyên ngành khác nhau ở bậc đại học.
Cách tiếp cận thứ hai mà trên thế giới sử dụng khá phổ biến (các kỳ thi SAT, ACT của Mỹ, kỳ thi TSA của Anh) đó là kỳ thi đánh giá năng lực tuyển sinh vào đại học. Để đánh giá xem một học sinh có khả năng theo học lên bậc đại học, chỉ cần đánh giá các năng lực cơ bản (cho dù muốn theo học chuyên ngành nào đều cần các năng lực này), đó là các năng lực: sử dụng ngôn ngữ; phân tích, xử lý dữ liệu; tư duy logic, tính toán, giải quyết vấn đề. Và nhiều nghiên cứu tronglinhx vực kiểm tra - đánh giá đã khẳng định, những năng lực cơ bản này có mối quan hệ vững chắc với việc hoàn thành chương trình bậc sau trung học và sự thành công sau khi tốt nghiệp đại học, cao đẳng. Các kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQGHN, ĐHQGHCM, ĐHBKHN tổ chức theo cách tiếp cận này, theo đó thí sinh chỉ cần làm một bài đánh giá năng lực duy nhất (thường gồm 3 phần).
2. Hệ thống các kỳ thi đánh giá năng lực OLM-ĐGNL
Ngày càng có nhiều học sinh, cha mẹ học sinh, thầy cô quan tâm đến việc chuẩn bị cho các kỳ thi ĐGNL của các trường đại học. Vì lẽ đó, trên hệ sinh thái của OLM, chúng tôi đã thiết kế một kênh riêng OLM-ĐGNL về hệ thống đánh giá năng lực không chỉ cho học sinh khối lớp 12 mà còn cho cả các khối lớp từ 11 trở xuống. Cụ thể bao gồm các bài ĐGNL sau:
2.1. Kỳ thi đánh giá năng lực theo định dạng các kỳ thi tuyển sinh vào trường đại học (ĐHQGHN, ĐHQGHCM, ĐHBKHN)
Các kỳ thi đánh giá năng lực tuyển sinh vào các trường đại học hàng đầu Việt Nam đều ít nhiều học hỏi theo các kỳ thi quốc tế của Mỹ, Anh, điển hình là kỳ thi SAT (kỳ thi lần đầu tổ chức năm 1926), theo đó chắc chắn có những phần đánh giá các năng lực cơ bản mà cần thiết cho mọi chuyên ngành ở bậc đại học - cao đẳng, đó là: sử dụng ngôn ngữ; phân tích, xử lý dữ liệu; tư duy logic, tính toán, giải quyết vấn đề (các năng lực này thể hiện rõ nhất ở các môn Ngữ văn, Tiếng Việt, Toán học ở bậc phổ thông). Điểm khác biệt với kỳ thi SAT là các kỳ thi đánh giá năng lực của các trường đại học như ĐHQGHN, ĐHQGHCM, ĐHBKHN còn có các câu hỏi thuộc các môn khoa học tự nhiên (như Lý, Hóa, Sinh) và khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý) mà nội dung nằm trong chương trình giáo dục phổ thông (các câu hỏi này cũng có thể thuộc nhóm các năng lực giải quyết vấn đề, tính toán). Các câu hỏi này nhằm mục đích phân hóa thí sinh tốt hơn, đánh giá mức độ thể hiện các năng lực cơ bản của thí sinh để giải quyết các vấn đề đã tiếp xúc ở bậc học phổ thông; Đồng thời như một định hướng để học sinh phải học tập nghiêm túc ở tất cả các môn ở bậc phổ thông, tránh học tủ, học lệch.
Mỗi năm các trường đại học đều công bố đề mẫu để thí sinh tham khảo, và phạm vi nội dung xuất hiện trong đề cũng thay đổi qua từng năm (ví dụ đề mẫu ĐHBHHN năm 2023 bỏ hẳn các câu hỏi theo tổ hợp môn học và tiệm cận với đề thi quốc tế SAT). Dựa trên đề mẫu các trường, chúng tôi (giáo viên của OLM) đã phân tích, khôi phục lại ma trận đề, tỉ lệ các câu hỏi thuộc các chủ đề khác nhau, tỉ lệ các câu ở các mức độ nhận thức khác nhau (nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao). Với ma trận đề đã khôi phục với nhiều chiều, giáo viên của OLM ra đề thi mới, và chúng tôi gọi đề mới này là đề thi thử theo định dạng kỳ thi của các trường. Định dạng ở đây hiểu theo nhiều chiều: từ phạm vị nội dung của đề, tỉ lệ câu dễ - khó (mức độ nhận thức), đến dạng câu hỏi trắc nghiệm hay điền số (đề ĐHBKHN từ 2023 còn có kiểu kéo thả, đúng/sai, nhiều lựa chọn nhiều đáp án đúng). Chúng tôi cũng dần dần xây dựng ngân hàng câu hỏi để phục vụ sinh đề ĐGNL phục vụ ôn tập cho học sinh chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi trọng đại trong cuộc đời mình. Chúng tôi tin tưởng rằng các đề thi thử của OLM theo định dạng của các trường ĐHQGHN, ĐHQGHCM, ĐHBKHN sẽ tương đương với đề thi thật của các trường này. Chắc chắn rằng, nếu thí sinh dự kỳ thi thử của OLM và kỳ thi thật của trường ở hai thời điểm không quá xa nhau, mức điểm bạn đạt được là như nhau.
2.2. Kỳ thi theo định dạng THPT
Kỳ thi THPT nhằm mục tiêu xét tốt nghiệp cho học sinh lớp 12 và là điều kiện tiên quyết để xét tuyển vào học tiếp lên bậc học cao hơn. Đa số các trường đại học vẫn dành một phần chỉ tiêu xét tuyển từ điểm của tổ hợp các môn thi THPT và học bạ. Chính vì mục tiêu chính là xét tốt nghiệp phổ thông nên kỳ thi đánh giá năng lực dựa trên yêu cầu cần đạt của Chương trình giáo dục phổ thông. Phạm vi nội dung thi chủ yếu nằm trong chương trình học của lớp 12 và một phần của lớp 11. Kỳ thi THPT được chia thành 5 bài thi: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Tổ hợp Khoa học tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh), Tổ hợp Khoa học xã hội (Sử, Địa, Giáo dục công dân). Hàng năm Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố đề mẫu để thí sinh tham khảo. Hoặc Bộ cũng có thể sử dụng đề mẫu của năm trước và có thêm định hướng ra đề cho năm hiện tại. Dựa trên đề mẫu và định hướng ra đề đó, chúng tôi cũng khôi phục ma trận đề và ra đề thi thử tương đương để học sinh lớp 12 tự đánh giá năng lực, điểm số của mình, biết được mình đang còn yếu năng lực, kĩ năng gì để có kế hoạch ôn thi.
2.3. Đánh giá năng lực hàng tháng các khối lớp THPT và THCS (11, 10, 9, 8, 7, 6)
Để đạt kết quả cao nhất trong kỳ thi THPT và các kỳ thi ĐGNL tuyển sinh vào các trường đại học thì việc phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh phải được tích lũy từ những lớp dưới theo thời gian. Hơn nữa, việc đổi mới cách dạy, cách học cũng kéo theo việc kiểm tra đánh giá năng lực ở các lớp 1 - 11 là vô cùng cần thiết. Ở mỗi khối lớp, theo chương trình giáo dục phổ thông, học sinh cần đạt được các năng lực chung và năng lực chuyên môn liên quan đến các môn học. Chúng tôi cũng thiết kế các bài kiểm tra đánh giá năng lực cho tất cả các khối lớp từ bậc THCS đến THPT (tổ chức hàng tháng) nhằm đánh giá sự tiến bộ của học sinh ở từng thời điểm. Ngoài điểm số, kết quả đánh giá chỉ ra cho học sinh năng lực nào chưa đạt so với yêu cầu cần đạt của từng khối lớp (ở thời điểm đánh giá). Học là cả quá trình phát triển năng lực, phẩm chất kéo dài từ lớp 1 đến lớp 12 ở bậc học phổ thông. Các các bài kiểm tra đánh giá năng lực của OLM cho từng khối lớp và tổ chức theo tháng sẽ là thước đo trung thực trong hành trình học tập của mỗi bạn học sinh. Chúng tôi khuyên các bạn học sinh hãy tham gia các bài kiểm tra đánh giá năng lực thường xuyên này, khi đó, ở cuối chặng đường lớp 12, việc thi THPT và thi tuyển sinh vào các trường sẽ trở nên nhẹ nhàng và có kết quả như mong đợi. Chúc các bạn thành công và hạnh phúc!
Hội đồng ĐGNL OLM.
Bài viết liên quan:
- [MIỄN PHÍ] CHƯƠNG TRÌNH KHẢO SÁT CHẤT LƯỢNG TOÁN - VĂN/ TIẾNG VIỆT - TIẾNG ANH ĐẦU NĂM HỌC 2023 - 2024
- Danh sách các trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả kỳ thi ĐGNL để xét tuyển (cập nhật 2023)
- Danh sách các trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả kỳ thi ĐGNL để xét tuyển
- HƠN 88 NGÀN THÍ SINH THAM GIA KỲ THI ĐGNL ĐHQG TP.THCM ĐỢT 1 NĂM 2023
- Lịch tổ chức các đợt thi thử của OLM-ĐGNL
Bình luận (0)