Giới thiệu Kỳ thi TSA Quốc tế

Admin (a@olm.vn)
Admin (a@olm.vn)

23 tháng 2 2023 lúc 14:09

TSA (Thinking Skills Assessment, Đánh giá các kĩ năng tư duy) là bài thi đánh giá về các kĩ năng tư duy phản biện và kỹ năng giải quyết vấn đề (Critical thinking and problem-solving skills), những kỹ năng được công nhận rộng rãi là những kỹ năng quan trọng nhất cho học tập và nghề nghiệp. Bài kiểm tra được thiết kế để giúp một số trường đại học lớn của Anh tuyển chọn những sinh viên có tiềm năng thành công trong giáo dục đại học. Trong bài viết này, OLM-ĐGNL sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về các loại câu hỏi đánh giá các kĩ năng tư duy phản biện và kĩ năng giải quyết vấn đề. Nội dung bài viết này lấy từ tài liệu hướng dẫn của Cambridge Assessment Admission Testing, đơn vị tổ chức các kì thi TSA.

https://www.admissionstesting.org/Images/47832-tsa-question-guide.pdf  

I. Giới thiệu

Các ứng cử viên tuyển chọn vào các đại học có thể có nền tảng khác nhau, đã được học các môn học rất đa dạng. Để đánh giá sự phù hợp của các ứng cử viên cho ngành học họ lựa chọn, các trường đại học có thể yêu cầu ứng cử viên tham dự bài thi Đánh giá kĩ năng tư duy TSA. Link dưới đây là danh sách các trường đại học sử dụng kết quả kỳ thi TSA để tuyển sinh:

For test-takers | Cambridge Assessment Admissions Testing

TSA đánh giá hai loại tư duy:

Giải quyết vấn đề: Lập luận sử dụng các kĩ năng số học - đại số.

Rất nhiều bài toán/vấn đề trong học tập và nghề nghiệp là mới, chưa từng gặp. Chưa có sẵn lời giải cho các bài toán/vấn đề mới đó. Nhiệm vụ là tìm hoặc sáng tạo ra lời giải.

Tuy duy phản biện: Lập luận sử dụng ngôn ngữ viết.

Kỹ năng Tư duy phản biện là cần thiết cho nhiều lĩnh vực nghiên cứu học thuật và thường liên quan đến việc xem xét một lập luận được đưa ra để thuyết phục hoặc bảo vệ một quan điểm cụ thể. Các nhà sử học đưa ra các lập luận để giải thích và diễn giải các sự kiện trong quá khứ, trong khi các nhà khoa học sử dụng lập luận để đánh giá bằng chứng từ các thí nghiệm của họ. Bất kể chủ đề nghiên cứu là gì, cần phải hiểu các lập luận do người khác trình bày và để có thể đánh giá xem các lập luận đó có thiết lập các tuyên bố của họ hay không.

Hai kĩ năng này (giải quyết vấn đề và tư duy phản biện) là quan trọng trong giáo dục bậc cao.

Cái nhìn tổng thể về bài thi TSA

Cả Giải quyết vấn đề và Tư duy phản biện đều được đánh giá bằng các câu hỏi trắc nghiệm. Mỗi câu hỏi gồm phần dẫn (đề bài), theo sau là câu hỏi và 5 lựa chọn, một trong 5 lựa chọn là đúng, các lựa chọn còn lại là sai.

Trong trường hợp các câu hỏi Tư duy phản biện, đề bài là một đoạn văn bản. Trong phần Giải quyết vấn đề, đề bài có thể bao gồm một sơ đồ, một bảng thông tin (ví dụ như lịch trình tàu điện) hoặc biểu đồ. Các lựa chọn cũng có thể là đồ thị hoặc biểu đồ.

TSA bao gồm 50 câu hỏi trắc nghiệm trong thời gian 90 phút. Các câu trả lời sai không bị trừ điểm, vì vậy thí sinh làm tất cả các câu hỏi (các câu nào không chắc chắn có thể dùng phương pháp loại trừ hoặc đoán).

TSA tiêu chuẩn bao gồm 25 câu hỏi Giải quyết vấn đề và 25 câu hỏi Tư duy phản biện. Các câu hỏi được trình bày đại khái theo thứ tự mức độ khó, với các dạng câu hỏi Giải quyết vấn đề và Tư duy phản biện khác nhau xen kẽ trong suốt bài kiểm tra.

TSA Oxford, phiên bản của bài kiểm tra được sử dụng để nhập học vào Đại học Oxford, bao gồm một bài viết bổ sung trong 30 phút cho hầu hết các khóa học (vui lòng kiểm tra trang web của Đại học Oxford để xác nhận yêu cầu của họ). Trong phần này, thí sinh phải trả lời một trong bốn câu hỏi được lựa chọn.

Máy tính và từ điển KHÔNG được phép sử dụng trong kỳ thi TSA.

II. Giải quyết vấn đề

Có ba loại câu hỏi Giải quyết vấn đề trong bài kiểm tra, mỗi loại đánh giá một khía cạnh quan trọng về việc giải quyết các vấn đề chưa từng gặp (các bài toán không quen thuộc). Ba loại là: Lựa chọn thông tin thích đáng, Tìm kiếm qui trình và Nhận diện sự tương đồng. Mặc dù hầu hết các câu hỏi thuộc chủ đề (one category), một số câu hỏi lại thuộc một hoặc nhiều chủ đề.

Các ví dụ sau đây cho thấy ba loại câu hỏi Giải quyết vấn đề mà bạn sẽ gặp trong bài kiểm tra.

Ví dụ 1: Lựa chọn thông tin thích đáng (Relevant Selection)

Khi gặp phải các bài toán thực tế, rất hiếm khi chúng ta có chỉ có các thông tin liên quan đến lời giải. Thay vào đó, thường sẽ có tập hợp thông tin lớn hơn, trong đó có nhiều thông tin không quan trọng. Bước đầu tiên trong việc giải bài toán là nhận diện các thông tin thích đáng. Các câu hỏi kiểm tra khía cạnh này cung cấp cho bạn thông tin không quan trọng, có thể dư thừa và có thể gây mất tập trung. Loại câu hỏi này yêu cầu Lựa chọn thông tin thích đáng, trong đó nhiệm vụ là chọn và chỉ áp dụng thông tin cần thiết và hữu ích trong việc tìm lời giải.

---------------------

Để nhận thưởng, nhân viên phải đáp ứng các tiêu chí nhất đinh:

Thưởng 1000 bảng (đơn vị tiền tệ của Anh) Vắng ít hơn 5%
Sản phẩm vượt ít nhất 10%
Tỉ lệ sản phẩm lỗi ít hơn 10%
Thưởng 500 bảng Vắng ít hơn 10%
Hoàn thành chỉ tiêu sản phẩm
Tỉ lệ lỗi ít hơn 8%

Các nhân viên đã đạt hiệu quả công việc như sau:

  Smith Jones Patel Owololu McKay
Có mặt (%) 95 90 100 96 97
Vượt chỉ tiêu sản phẩm (%) +5 +6 +12 0 -4
Tỉ lệ sản phẩm được chấp nhận (%) 98 96 95 93 96

Ai là người được thưởng?

A. Không ai
B. Smith
C. Patel và Smith
D. Owololu, Patel và Smith
E. Jones, Owololu, Patel và Smith

-----------------------

Câu trả lời và giải thích:

Câu trả lời là D. Vì câu hỏi chỉ hỏi có được thưởng với bất cứ mức thưởng nào, tiêu chí dễ nhất được sử dụng (đó là mức thưởng 500 bảng).

Với tiêu chí đầu tiên (vắng ít hơn 10%), chỉ trừ Jones không đạt, còn lại S P O M (sử dụng kí hiệu viết tắt cho tên các nhân viên)
Với tiêu chí thứ hai (hoàn thành chỉ tiêu), chỉ trừ MCKay không đạt, còn lại S J P O
Với tiêu chí thứ ba (tỉ lệ lỗi ít hơn 8%), tất đều đạt
Do đó, chỉ S, P và O là đạt đủ cả 3 tiêu chí, do đó D là đáp án đúng.

Với câu này, nhiều thông tin dư thừa, thí sinh phải biết lựa chọn thông tin thích đáng để trả lời câu hỏi.

Ví dụ 2: Tìm kiếm qui trình (Finding procedures)

Đôi khi bạn sẽ thấy rằng ngay cả khi bạn đã chọn tất cả các thông tin thích đáng, vẫn không có lời giải nào xuất hiện. Sau đó, bạn phải tìm một phương pháp hoặc qui trình mà bạn có thể sử dụng để sáng tạo ra lời giải. Thông thường, bạn sẽ có ba hoặc bốn bước. Khía cạnh này của Giải quyết Vấn đề được gọi là Tìm kiếm qui trình.

------------------------------

Ba nhiệt kế đều có sai số cao hơn hoặc thấp hơn 2 độ so với nhiệt độ thực tế. Một cái cho 7°, một cái cho 9° và cái còn lại cho 10°.

Nhiệt độ thực tế nằm trong khoảng tối thiểu nào?
A. 5° - 12°
B. 7° - 9°
C. 8° - 10°
D. 8° - 9°
E. 7° - 10°

-------------------------------

Trả lời và giải thích

Đáp án là D. Phương pháp ở đây là tìm kiếm nhiệt độ cao nhất và thấp nhất có thể chấp nhận được để đáp ứng các điều kiện, nhận ra rằng giá trị ở giữa là không quan trọng. Khi cái thứ nhất cho 7°, nhiệt độ thật không thể cao hơn 9° và khi cái thứ hai cho 10°, nhiệt độ thật không thể thấp hơn 8°. Điều này được đưa ra bởi D.

A. Khoảng này thu được bằng cách trừ 2° từ mức thấp nhất và cộng 2° vào mức cao nhất.
B. Lấy nhiệt độ thấp nhất của ba nhiệt kế và tăng lên 2°.
C. Lấy nhiệt độ cao nhất của ba nhiệt kế và giảm đi 2°.
E. Lấy khoảng từ nhiệt độ thấp nhất và cao nhất của cả 3 nhiệt kế.

Ví dụ 3: Nhận diện sự tương đồng (Identifying Similarity)

Trong những câu hỏi này, thông thường bạn sẽ được cung cấp thông tin hoặc dữ liệu được trình bày theo nhiều cách (bao gồm, ví dụ: biểu đồ, bảng, v.v.). Để trả lời câu hỏi, bạn sẽ cần hiểu mối quan hệ giữa chúng và nhận diện bất kỳ điểm tương đồng nào trong dữ liệu.

-----------------------------

Graham ghi lại số khách hàng đến cửa hàng của anh ta trong tuần trước và kết quả như biểu đồ dưới

loading...

Khi anh ta tính số khách hàng trong 1 giờ anh ta phát hiện ra rằng cửa hàng có cùng số lượng khách hàng cho 5 ngày, nhưng con số của ngày Tuesday và Friday có hơi cao hơn chút. Giờ làm việc của cửa hàng như sau:

loading...

Trong số các đáp án sau, đáp án nào có thể là giờ làm việc của cửa hàng cho ngày Tuesday và Friday?
A. Tuesday 9.30am - 5.30pm, Friday 8.00am - 6.30pm
B. Tuesday 9.00am - 4.30pm, Friday 8.30am - 6.00pm
C. Tuesday 9.00am - 4.30pm, Friday 8.00am - 6.00pm
D. Tuesday 9.00am - 5.00pm, Friday 8.00am - 6.30pm
E. Tuesday 10.00am - 5.00pm, Friday 8.30am - 6.00pm

--------------------------

Trả lời và hướng dẫn

Đáp án là E. Cột của Tuesday cao bằng 3/4 chiều cao cột của Thursday (ngày Thurday mở 10 tiếng), vì vậy vào Tuesday cửa hàng phải mở cửa ít hơn 7,5 tiếng nếu muốn số lượng khách hàng trung bình mỗi giờ cao hơn. Cửa hàng cũng phải mở ít hơn 10 tiếng vào Friday. Tùy chọn duy nhất đáp ứng các điều kiện này là E.
A. Mở cửa 8 tiếng vào thứ Tuesday.
B. Mở cửa đúng 7,5 tiếng vào Tuesday.
C. Là các giá trị nếu bạn giả sử số lượng khách hàng trung bình mỗi ngày trong cả tuần là như nhau.
D. Mở quá lâu trong cả hai ngày (hiểu sai tác động của số trung bình cao hơn).

Các kiến thức và kĩ năng toán học cần cho Giải quyết vấn đề

Các khái niệm về số (Number concepts)

      - Phân số
      - Giá trị các chữ số (ví dụ: chữ số 5 trong 7654 có giá trị 50)
      - Số phần trăm (ví dụ, 1% có thể hiểu là cứ 100 có 1, hoặc ăn 20% cái bánh thì còn lại 8

Các phép toán (Numerical operations)

    - Bốn phép toán: cộng, trừ, nhân, chia
    - Các phép toán phần trăm (ví dụ, nếu 1 vật đã bán giá 10đồng và được quảng cáo giảm 20%, vậy khách hàng phải trả bao nhiêu?)
    - Tính toán trong hoạt động hàng ngày (Các tính toán phức tạp với phân số, số thập phân không yêu cầu trong bài thi TSA)
    - Tính toán số trung bình (average, mean)

Các đơn vị đo (Quantities)

    - Thời gian và lịch
    - Tiền tệ
    - Các độ đo
Kiến thức sau:
     1km = 1000m      1m = 100cm     1cm = 10mm      1kg = 1000g
Đôi khi, các câu hỏi có thể sử dụng các đơn vị đo khác (ví dụ: feet, tonnes, gallons), nhưng kiến thức về các quan hệ giữa chúng (ví dụ 12 inches = 1 foot) là không yêu cầu.

Lập luận về diện tích, thể tích (Space and spatial reasoning)

      - Diện tích (bao gồm tính diện tích hình chữ nhật)
      - Chu vi (bao gồm tính toán)
      - Thể tích (bao gồm tính toán thể tích của hộp)

Bảng biểu và đồ thị (Tables and graphs)

      - Trích xuất thông tin từ đồ thị và biểu đồ
      - Trích xuất thông tin từ bảng
 

III. Tư duy phản biện

Tư duy phản biện trong bài thi TSA có thể được làm rõ nhất bằng định nghĩa sau: Trong một lập luận (argument), các lý do (reasons) được đưa ra làm cơ sở cho một kết luận (conclusion). Lập luận là một lập luận tốt nếu nó đưa ra kết luận từ các lý do. Điều đó có nghĩa là, nếu bạn chấp nhận lý do, bạn phải chấp nhận kết luận. Mục đích của phần bài kiểm tra này, những lý do đưa ra nên được chấp nhận như là một chân lý

Đây là một ví dụ về một lập luận đơn giản:

Jill hứa rằng cô ấy sẽ tham dự cuộc họp hoặc cử người thay thế. Chúng tôi biết cô ấy không thể tham dự cuộc họp. Vì vậy, chúng tôi đang mong đợi một sự thay thế.

Cấu trúc của lập luận này như sau:

Lý do: Jill đã hứa rằng cô ấy sẽ tham dự cuộc họp hoặc cử người thay thế. Chúng tôi biết cô ấy không thể tham dự cuộc họp.

Kết luận: Vì vậy, chúng tôi đang mong đợi người thay thế.

Trong trường hợp này, kết luận xuất hiện ở cuối lập luận và được giới thiệu bằng từ "vì vậy' ('so'). Đôi khi một kết luận có thể được giới thiệu bằng những từ như 'do đó' ('therefore', 'thus'). Tuy nhiên, đôi khi một kết luận có thể không chứa bất kỳ từ nào như vậy. Cũng cần lưu ý rằng, một kết luận có thể xuất hiện ở đầu hoặc ở giữa một lập luận, thay vì ở cuối. Ví dụ, lập luận trên có thể đã được viết theo cách này:

Chúng tôi biết Jill không thể tham dự cuộc họp. Chúng tôi đang mong đợi một người thay thế. Cô ấy đã hứa sẽ tham dự cuộc họp hoặc cử người thay thế.

Hoặc theo cách này:
Chúng tôi đang mong đợi một người thay thế cho Jill. Chúng tôi biết cô ấy không thể tham dự cuộc họp, và cô ấy đã hứa sẽ tham dự hoặc cử người thay thế.

Trong cả hai trường hợp này, 'Chúng tôi đang mong đợi một người thay thế (cho Jill)' là kết luận, bởi vì nó là phát biểu tiếp theo hoặc được hỗ trợ bởi, phần còn lại của đoạn văn.

Một số lập luận có thể bỏ qua một phần quan trọng trong lập luận - một giả định để đưa ra kết luận. Đây là một ví dụ:
Cô ấy không có nhiều cơ hội. Con gấu bắc cực ở ngay sau cô ấy.

Trong lập luận này, không có phát biểu rõ ràng rằng gấu bắc cực nguy hiểm, nhưng kết luận rằng 'cô ấy không có nhiều cơ hội' phụ thuộc vào niềm tin rằng gấu bắc cực nguy hiểm. Niềm tin này được coi là đương nhiên, hoặc giả định.

Tóm lại, các đặc trưng của lập luận là:
(các) lý do
(các) kết luận (có thể hoặc không đứng sau các các từ như 'do đó', 'vì vậy' ('so', 'therefore')
(các) giả định, tức là các phần quan trọng của lập luận chưa được nêu.

Các lập luận có thể có cấu trúc phức tạp hơn nhiều so với các ví dụ nêu trên và chúng có thể dài. Nhưng bất kể độ dài và độ phức tạp của chúng, có một số kỹ năng nhất định liên quan đến việc hiểu và đánh giá các lập luận. Đó là: Nhận diện Kết luận Chính, Rút ra Kết luận, Nhận diện Giả định, Đánh giá Tác động của Bằng chứng Bổ sung, Phát hiện Lỗi Lập luận, Đối sánh Lập luận và Áp dụng các nguyên lý. Các ví dụ sau đây cho thấy bảy loại câu hỏi Tư duy phản biện có trong bài thi TSA.

Ví dụ 1: Nhận diện kết luận chính (Identifying the Main Conclusion)

Trong loại câu hỏi này, bạn phải đánh giá câu nào trong số các câu từ A đến E thể hiện đúng nhất kết luận chính của lập luận. Vì vậy, bước quan trọng đầu tiên là đọc kỹ đoạn văn và chọn ra câu kết luận. Hãy nhớ rằng kết luận có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trong một lập luận – không nhất thiết phải ở cuối. Cũng nên nhớ rằng những gì bạn đang tìm kiếm là phát biểu tiếp theo hoặc được hỗ trợ bởi phần còn lại của đoạn văn.

------------------------

Thực phẩm chay có thể lành mạnh hơn chế độ ăn truyền thống. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người ăn chay ít có nguy cơ mắc bệnh tim và béo phì hơn những người ăn thịt. Người ta đã bày tỏ lo ngại rằng những người ăn chay không nhận đủ chất đạm trong chế độ ăn uống của họ nhưng người ta đã chứng minh rằng, bằng cách lựa chọn thực phẩm cẩn thận, những người ăn chay có thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu của họ về mặt này.

Điều nào sau đây diễn đạt đúng nhất kết luận chính của lập luận trên?
A. Chế độ ăn chay có thể tốt cho sức khỏe hơn chế độ ăn truyền thống.
B. Có đủ chất đạm từ chế độ ăn chay.
C. Chế độ ăn uống truyền thống rất giàu chất đạm.
D. Một chế độ ăn uống cân bằng quan trọng đối với sức khỏe hơn bất kỳ loại thực phẩm cụ thể nào.
E. Người ăn chay không bị bệnh tim và béo phì

--------------------

Trả lời và giải thích

Lập luận này dường như đang cố gắng khiến chúng ta chấp nhận điều gì? Có vẻ như nó đang cố thuyết phục chúng ta rằng thực phẩm chay có thể tốt cho sức khỏe hơn chế độ ăn truyền thống, như đã nêu trong câu đầu tiên. Chúng ta cần xem liệu phần còn lại của đoạn văn có cho chúng ta lý do để tin vào điều này hay không. Hai lý do được đưa ra:
1. Người ăn chay ít bị bệnh tim và béo phì hơn người ăn thịt.
2. Một chế độ ăn chay có thể chứa đủ chất đạm.

Chúng ta có thể không biết liệu những lý do này có đúng hay không, nhưng nếu chúng đúng, chúng sẽ chỉ ra rằng ở một khía cạnh nào đó, ăn chay tốt cho sức khỏe hơn so với chế độ ăn truyền thống bao gồm thịt, và chế độ ăn chay không nhất thiết có hại cho sức khỏe (cung cấp không đủ protein) mà chúng ta có thể đã nghĩ tới. Vì vậy, có vẻ như rõ ràng rằng câu đầu tiên của đoạn văn được đưa ra như một kết luận.
A là câu thể hiện tốt nhất kết luận này.
B không phải là kết luận chính, nhưng nó là một trong những lý do dẫn đến kết luận chính – được dán nhãn ở trên là lý do 2.
C không thể là kết luận chính vì nó không được nêu trong đoạn văn. Người ta cho rằng chế độ ăn kiêng truyền thống cung cấp đủ protein, nhưng ngay cả điều này cũng không được nêu rõ ràng.
D không phải là kết luận chính, vì nó không được nêu trong đoạn văn. Không có nỗ lực nào được thực hiện để xác định một chế độ ăn uống cân bằng. Đoạn văn chỉ đơn giản là so sánh giữa chế độ ăn truyền thống và chế độ ăn chay.
E không phải là kết luận chính, nhưng nó gần nghĩa với một trong những lý do dẫn đến kết luận chính, được dán nhãn ở trên là lý do 1.

Ví dụ 2: Rút ra kết luận (Drawing a Conclusion)

Khi bạn được hỏi kết luận nào sau mỗi đoạn văn bản, bạn cần xem xét từng câu từ A đến E, và suy nghĩ xem thông tin trong đoạn văn có cho bạn những lý do chính đáng để chấp nhận kết luận đó hay không. Lưu ý rằng điều này khác với dạng câu hỏi Nhận diện Kết luận Chính (xem ví dụ trên) ở chỗ kết luận không xuất hiện trong đoạn văn.

-------------------------

Những người ủng hộ các môn học đóng góp vào điểm A-level nói rằng điều này công bằng hơn nhiều so với việc đánh giá chỉ qua bài kiểm tra, vì điều đó có nghĩa là những học sinh học tập chăm chỉ nhưng có thành tích kém trong các kỳ thi sẽ có cơ hội làm bài tốt hơn. Tuy nhiên, việc đánh giá này hiện nay tạo ra nhiều cơ hội gian lận hơn, gây nghi ngờ về tính công bằng của nó. Ví dụ, có một thị trường đang viết các bài luận tùy chỉnh, có sẵn (có tính phí) qua internet. Hiện tại, biện pháp ngăn chặn duy nhất là sự cảnh giác của giáo viên, nhưng trong khi giáo viên có thể nhận diện các bài làm có vẻ không bình thường của từng học sinh, họ sẽ không nhất thiết phát hiện ra khi nào một học sinh đã nhận được một lượng giúp đỡ không thể chấp nhận được từ gia đình hoặc bạn bè.
Một trong những kết luận sau đây được hỗ trợ tốt nhất bởi đoạn văn trên?
A. Đánh giá qua bài tập không nhất thiết công bằng hơn đánh giá qua kiểm tra.
B. Khả năng gian lận trong học tập có nghĩa là trình độ A chỉ nên được đánh giá bằng các kỳ thi.
C. Các kỳ thi truyền thống vẫn là cách công bằng nhất để xếp loại học sinh trình độ A.
D. Không có cách hoàn toàn công bằng để đánh giá học sinh ở trình độ A.
E. Các kỳ thi không đánh giá mức độ chăm chỉ của học sinh

------------------------

Trả lời và giải thích

Câu trả lời cho câu hỏi này là A, bởi vì đoạn văn lập luận theo cách sau:

Thứ nhất, nó trình bày tuyên bố rằng sự đóng góp của các môn học trong đánh giá trình độ A được coi là công bằng hơn so với một kỳ thi chỉ vì nó cho phép những sinh viên có thành tích kém trong các kỳ thi nhưng học hành chăm chỉ có cơ hội làm tốt hơn.

Tuy nhiên, nó cho chúng ta biết rằng việc gian lận trong học tập có thể xảy ra thông qua việc mua các bài luận qua internet và gian lận cũng có thể xảy ra khi có sự giúp đỡ từ gia đình và bạn bè.

Vì vậy, giáo viên là biện pháp ngăn chặn duy nhất gian lận trong học tập vào lúc này – vì họ có thể phát hiện một số trường hợp chứ không phải tất cả.

Do đó, nó kết luận rằng việc đưa các môn học vào đánh giá A-level không có nghĩa là hệ thống này công bằng hơn so với đánh giá chỉ bằng kiểm tra.

B đi xa hơn kết luận được gợi ý bởi đoạn văn. Cụm từ 'Hiện tại, biện pháp ngăn chặn duy nhất' gợi ý rằng các chiến lược khác có thể được sử dụng trong tương lai.

C đề cập đến một trong những lý do tại sao hệ thống hiện tại không công bằng, vì một học sinh giỏi có thể thể hiện kém vào ngày thi và do đó không nhận được đánh giá thích hợp về khả năng của họ.

D đi xa hơn đoạn văn bằng cách gợi ý rằng không có cách nào công bằng để đánh giá học sinh ở trình độ A. Điều này có thể đúng nhưng không được khẳng định bởi đoạn văn.

E không phải là một kết luận mà là một phần của lập luận.

Ví dụ 3: Nhận diện giả định (Identifying an Assumption)

Một giả định là một cái gì đó không được nêu trong lập luận, nhưng được coi là đương nhiên để rút ra kết luận. Vì vậy, trước tiên bạn cần tìm ra kết luận của lập luận là gì. Hãy tự hỏi bản thân điểm chính mà lập luận cố gắng khiến bạn chấp nhận là gì. Sau đó, tìm kiếm lý do mà nó đưa ra để hỗ trợ cho kết luận này và suy nghĩ về bất kỳ điểm quan trọng nào không thực sự được nêu trong lý do.

------------------

Những người viết sách tiết lộ hoạt động bên trong của cơ quan mật vụ thường đã bị sa thải khỏi cơ quan hoặc đã nghỉ hưu với cảm giác bất bình đối với cơ quan này. Kết quả là chỉ có mặt xấu của cơ quan mật vụ được tiết lộ. Điều này một phần là do những người muốn vẽ nên một bức tranh thuận lợi hơn không muốn bỏ qua các hạn chế pháp lý đối với tất cả những người đã từng làm việc trong cơ quan mật vụ, và một phần là do hồ sơ của các tổ chức không được cung cấp cho người ngoài.
Điều nào sau đây là giả định cơ bản của lập luận trên?
A. Các hồ sơ của dịch vụ bí mật luôn sẵn có cho các nhân viên cũ.
B. Công việc của cơ quan mật vụ bị đánh giá thấp do xuất bản các báo cáo xuyên tạc về hoạt động của cơ quan này.
C. Mặt tiêu cực của cơ quan mật vụ có ý nghĩa nhỏ so với công việc quan trọng mà nó thực hiện.
D. Những hạn chế pháp lý đối với việc tiết lộ hoạt động bên trong của cơ quan mật vụ không áp dụng cho những người đã bị sa thải.
E. Những người có bất bình đối với cơ quan mật vụ không thể hoặc không sẵn sàng cung cấp tài khoản trung thực về hoạt động của cơ quan này.

-----------------------

Trả lời và giải thích

Câu trả lời cho câu hỏi này là E. Kết luận là chỉ có mặt xấu của dịch vụ bí mật được phơi bày. Những lý do được đưa ra cho điều này là:
1. Hồ sơ của dịch vụ bí mật thường không có sẵn.
2. Có những hạn chế pháp lý đối với nhân viên của cơ quan mật vụ cấm họ viết về nó.
3. Chỉ những nhân viên hoặc cựu nhân viên bỏ qua hạn chế này là những người có cảm giác bất bình đối với cơ quan mật vụ.

Từ những lý do này, sẽ không có nghĩa là chỉ có mặt xấu của cơ quan mật vụ bị lộ nếu những người có khiếu nại có thể và sẵn sàng đưa ra một tài khoản cân bằng. Vì vậy, phải giả định rằng hoặc họ không thể hoặc họ không sẵn sàng làm như vậy.

A không được giả định. Đoạn văn nói rằng hồ sơ không có sẵn cho người ngoài. Nhưng nhân viên cũ có thể có hoặc không có quyền truy cập vào hồ sơ. Chúng ta không cần phải cho rằng họ có quyền truy cập để kết luận rằng khi họ viết về cơ quan mật vụ, họ chỉ tiết lộ khía cạnh xấu của nó.

B không được giả định, bởi vì nó đi xa hơn đoạn văn. Nó xem xét tác động của các ấn phẩm về dịch vụ bí mật. Nhưng những gì chúng ta đang tìm kiếm như một giả định là một cái gì đó giúp hỗ trợ cho phần kết luận của đoạn văn.

C không được giả định, vì đoạn văn không nói gì về tầm quan trọng của công việc do cơ quan mật vụ thực hiện. Nó gợi ý rằng có một khía cạnh khác đối với cơ quan mật vụ, bên cạnh 'mặt xấu', nhưng không thể đưa ra giả định nào về việc bên nào quan trọng hơn.

D không được giả định, vì đoạn văn nói rằng các hạn chế pháp lý áp dụng cho 'tất cả những người đã được tuyển dụng', và điều này phải bao gồm cả những người đã bị sa thải.

Ví dụ 4: Đánh giá tác động của chứng cứ bổ sung (Assessing the Impact of Additional Evidence)

Ở đây, bạn được yêu cầu xem xét điều gì sẽ làm suy yếu lập luận, vì vậy trước tiên bạn cần hiểu rõ lập luận đang cố gắng thiết lập điều gì. Tìm ra lập luận là gì, sau đó xem xét ảnh hưởng của từng câu trả lời có thể có đối với nó.

-----------------------

Gấu Bắc cực trong điều kiện nuôi nhốt thường có những hành vi ám ảnh, đi đi lại lại tại cùng một chỗ, lắc đầu từ bên này sang bên kia và các dấu hiệu căng thẳng khác. Chúng làm điều này ngay cả khi khu vực sinh sống của chúng khá rộng rãi. Điều này cho thấy rằng điều kiện nuôi nhốt không phải là sự thay thế thỏa đáng cho môi trường tự nhiên của các loài gấu bắc cực.

Điều nào sau đây, nếu đúng, sẽ làm suy yếu lập luận trên nhất?
A. Gấu bắc cực đặc biệt không thích hợp với cuộc sống bị giam cầm.
B. Nhiều con gấu bắc cực trong tự nhiên có những hành vi ám ảnh.
C. Gấu bắc cực nuôi nhốt được cho ăn tốt hơn nhiều so với gấu sống trong tự nhiên.
D. Gấu bắc cực trong tự nhiên bao phủ nhiều dặm trong một ngày khi chúng săn tìm thức ăn.
E. Gấu Bắc cực được nuôi nhốt không có khả năng sống sót trong tự nhiên.

----------------------

Trả lời và giải thích

Câu trả lời là B. Kết luận của lập luận là hành vi ám ảnh của gấu Bắc cực trong vườn thú cho thấy điều kiện nuôi nhốt không phải là sự thay thế thỏa đáng cho môi trường tự nhiên của gấu Bắc cực. Nhưng nếu B đúng, nghĩa là, nếu gấu Bắc cực trong tự nhiên cư xử giống như những con bị nuôi nhốt, thì hành vi của những con bị nuôi nhốt không thể được coi là bằng chứng tốt cho thấy điều kiện nuôi nhốt không đạt yêu cầu.

A không làm suy yếu lập luận. Nếu gấu bắc cực không phù hợp với cuộc sống bị giam cầm, thì điều đó có nghĩa là việc nuôi nhốt không phải là sự thay thế thỏa đáng cho môi trường tự nhiên của chúng. Vậy A củng cố lập luận.

C không làm suy yếu lập luận, mặc dù nó gợi ý rằng gấu bắc cực có thể tốt hơn ở một khía cạnh nào đó trong điều kiện nuôi nhốt (tức là được cho ăn tốt hơn). Tuy nhiên, điều kiện nuôi nhốt có thể dẫn đến căng thẳng mà gấu Bắc cực không phải chịu đựng trong tự nhiên.

D không làm suy yếu lập luận, bởi vì ngay cả khi gấu bắc cực đi nhiều dặm một ngày trong tự nhiên, việc đi lại trong điều kiện nuôi nhốt có thể không phải là sự thay thế thỏa đáng cho quyền tự do đi lang thang này.

E không làm suy yếu lập luận, bởi vì kết luận là về môi trường tốt nhất cho loài gấu bắc cực. Thông tin về môi trường tốt nhất cho những con gấu Bắc Cực được nuôi nhốt không thể làm suy yếu kết luận chung này về toàn bộ loài.

Ví dụ 5: Phát hiện các lỗi lập luận (Detecting Reasoning Errors)

Bạn được yêu cầu xác định lỗ hổng trong lập luận, điều đó có nghĩa là bạn phải giải thích tại sao kết luận không tuân theo những lý do được đưa ra. Vì vậy, bạn cần phải rõ ràng về kết luận là gì và những lý do nào có ý nghĩa là hỗ trợ cho nó. Hãy tự hỏi bản thân điểm chính mà lập luận đang cố gắng thiết lập là gì và nó cố gắng thiết lập nó như thế nào.

-------------------

Một số người cố gắng buôn lậu thú cưng vào Anh vì các quy định kiểm dịch nhằm ngăn chặn bệnh dại xâm nhập vào nước này. Nếu không có những quy định như vậy, sẽ không có lý do gì để buôn lậu vật nuôi. Vì nguồn có khả năng bùng phát bệnh dại nhất ở Anh là vật nuôi nhập lậu, nếu các quy định kiểm dịch được bãi bỏ, nguy cơ bùng phát bệnh dại sẽ giảm đi.
Điều nào sau đây là tuyên bố đúng nhất về lỗ hổng trong lập luận trên?
A. Bệnh dại không có khả năng xâm nhập vào nước Anh ở động vật hoang dã.
B. Các quy định kiểm dịch không thể ngăn chủ sở hữu buôn lậu vật nuôi của họ.
C. Nếu không có quy định kiểm dịch, vật nuôi mắc bệnh dại có thể vào Anh dễ dàng.
D. Nếu mọi người không muốn đi du lịch cùng thú cưng của họ, thì sẽ không cần các quy định về kiểm dịch.
E. Vật nuôi đã được tiêm phòng dại thì không cần quy định cách ly.

--------------------

Trả lời và giải thích

Đáp án C. Lập luận rút ra kết luận rằng nếu bãi bỏ các quy định về kiểm dịch thì khả năng bùng phát bệnh dại sẽ ít hơn. Lý do được đưa ra để hỗ trợ cho điều này là:
1. Vật nuôi buôn lậu là nguồn có khả năng bùng phát bệnh dại nhất.
2. Nếu không có các quy định về kiểm dịch, sẽ không ai muốn buôn lậu thú cưng vào Anh.

Nhưng kết luận không xuôi, bởi nếu không có quy định kiểm dịch, vật nuôi nhập lậu sẽ không còn là nguyên nhân khiến dịch dại bùng phát mạnh nhất. Thay vào đó, nguyên nhân rất có thể là vật nuôi có thể được mang vào mà không vi phạm bất kỳ luật nào. C là câu giải thích rõ nhất điều này.

A không mô tả lỗ hổng, bởi vì nó chỉ nêu ra điều gì đó mà lập luận sẽ đồng ý.

B không mô tả lỗ hổng, bởi vì nó nói lên điều gì đó mà lập luận phụ thuộc vào – ý tưởng rằng các quy định kiểm dịch không thể ngăn chặn sự bùng phát của bệnh dại.

D không mô tả lỗ hổng, vì nó liên quan đến lý do tại sao các quy định kiểm dịch được cho là cần thiết, hơn là hậu quả của việc loại bỏ các quy định này.

E không mô tả lỗ hổng, vì nó không đề cập đến điều gì sẽ xảy ra nếu các quy định về kiểm dịch bị bãi bỏ. Thay vào đó, nó gợi ý một cách để làm cho chúng không cần thiết, trong khi vẫn có thể ngăn chặn sự bùng phát của bệnh dại.

Ví dụ 6: Đối sánh lập luận (Matching Arguments)

Loại câu hỏi này hỏi về sự giống nhau giữa các lập luận, nhưng không phải là giống nhau giữa hai lập luận về cùng một chủ đề. Điểm giống nhau mà bạn đang tìm kiếm nằm ở cấu trúc hoặc khuôn mẫu của lập luận.

----------------------------

Tôi không thể nhận được bất kỳ câu trả lời nào khi tôi quay số của mẹ tôi. Hoặc là bà ấy không trả lời điện thoại hoặc bà ấy đã quyết định đi nghỉ thêm một tuần nữa. Chắc bà ấy vẫn đi vắng. Bà sẽ không bao giờ để chuông điện thoại reo mà không trả lời.
Điều nào sau gần giống nhất (most closely parallels) với lập luận được sử dụng trong lập luận trên?
A. Nếu tôi muốn giữ dáng và khỏe mạnh, tôi phải theo dõi chế độ ăn kiêng và tập thể dục. Tôi muốn giữ dáng nên tôi ăn uống cẩn thận và chạy bộ thường xuyên.
B. Nếu Denise tiếp tục đến phòng tập thể dục và ăn uống kiêng khem, cô ấy sẽ không bao giờ suy sụp như vậy. Cô ấy đã bị suy nhược, vì vậy cô ấy phải từ bỏ chế độ ăn kiêng hoặc ngừng đến phòng tập thể dục.
C. Joe trông khỏe mạnh hơn rất nhiều. Hoặc anh ấy đã cắt giảm việc ăn uống của mình hoặc anh ấy đã chạy ra ngoài mỗi ngày. Tôi biết một sự thật rằng Joe không thể ăn kiêng, vì vậy anh ấy chắc hản đã tập thể dục.
D. Bất cứ ai bơi hơn 20 đoạn mỗi ngày đều phải khá khỏe mạnh. Sheena bơi ba mươi đoạn mỗi ngày. Do đó Sheena phải khá khỏe mạnh.
E. Ban đầu, việc tuân thủ một chế độ ăn kiêng rất khó nhưng sau khoảng hai tuần, hầu hết mọi người sẽ quen với nó. Tôi đã ăn kiêng gần hai tuần rồi nên sẽ sớm quen thôi.

-----------------------------

Trả lời và giải thích

Bước đầu tiên để tìm cấu trúc trong lập luận này, hãy nhìn vào đoạn văn để xem liệu có những câu lặp lại mà bạn có thể biểu thị bằng một chữ cái (ví dụ: X hoặc Y). Hơi khó để làm điều đó trong lập luận này, bởi vì các câu lặp lại được diễn đạt ở một dạng hơi khác mỗi lần. Nhưng chúng ta có thể thấy rằng có hai ý quan trọng được nhắc đến hai lần:
Mẹ tôi đang (phải) đi vắng.
Mẹ tôi không trả lời điện thoại (để điện thoại đổ chuông mà không trả lời).
Nếu chúng ta thay thế các câu lệnh này bằng X và Y, chúng ta có thể thấy cấu trúc sau.
X đúng hoặc Y đúng.
Y không thể đúng.
Vậy X phải đúng.
X = mẹ tôi đi vắng.
Y = mẹ tôi đang để điện thoại đổ chuông mà không trả lời.

Bây giờ chúng ta phải tìm đối số có cùng cấu trúc này.
C là câu trả lời cho câu hỏi này. Trong trường hợp này X = Joe đang tập thể dục, Y = Joe đang ăn kiêng và cấu trúc giống nhau:
X (Joe đang tập thể dục) hoặc Y (Joe đang ăn kiêng).
Y (Joe đang ăn kiêng) không thể là sự thật.
Vậy X (Joe đang tập thể dục) phải đúng.

A có cấu trúc khác:
Nếu tôi muốn X, tôi phải làm Y.
Tôi muốn X
Vì vậy, tôi làm Y.
X = vẫn khỏe mạnh.
Y = theo dõi chế độ ăn uống của tôi và tập thể dục.

B có cấu trúc khác:
Nếu X và Y đã xảy ra thì Z đã không xảy ra.
Z đã xảy ra.
Vì vậy, X không xảy ra hoặc Y không xảy ra.
X = Denise đi tập gym.
Y = Denise ăn uống kiêng khem.
Z = Denise đang suy sụp.

D có cấu trúc khác:
Tất cả những người làm X đều là Y.
Sheena làm X.
Do đó Sheena là Y.
X = bơi hơn 20 quãng đường mỗi ngày.
Y = khỏe mạnh.

E có cấu trúc khác:
Hầu hết những người làm việc X đều thành công trong việc Y.
Tôi đã làm X
Vì vậy, tôi nên thành công trong Y.
X = ăn kiêng trong 2 tuần.
Y = làm quen với chế độ ăn kiêng.

Ví dụ 7: Áp dụng các nguyên lý (Applying Principles)

Khi bạn được hỏi phát biểu nào minh họa nguyên lý cơ bản của đoạn văn, trước tiên bạn phải nhận diện nguyên lý này. Một nguyên lý là một khuyến nghị chung, trong đoạn văn này, sẽ chỉ được áp dụng cho một trường hợp cụ thể, nhưng cũng có thể được áp dụng cho các trường hợp khác. Ví dụ, ai đó có thể sử dụng nguyên lý 'Giết người là sai' để lập luận về chủ nghĩa hòa bình, tức là từ chối tham chiến. Nếu chúng ta chấp nhận nguyên lý rằng giết người là sai, thì theo đó, hình phạt tử hình cũng là sai, và thậm chí giết người để tự vệ cũng là sai. Để trả lời loại câu hỏi này, trước tiên bạn cần hiểu lập luận, vì vậy hãy tìm kết luận và lý do theo cách thông thường. Điều này sẽ cho phép bạn thấy lập luận dựa trên nguyên lý nào để rút ra kết luận. Sau đó, bạn cần xem xét từng phương án trả lời có thể để xem phương án nào tuân theo nguyên lý.

----------------------------

Những người hút thuốc bị bệnh tim do hút thuốc gây ra không được phép điều trị sức khỏe miễn phí. Đó là bởi vì đây là một ví dụ về bệnh tự gây ra. Những người có hành động gây ra bệnh tật hoặc thương tích cho chính họ nên đóng góp tài chính cho việc điều trị của họ.
Điều nào sau đây minh họa rõ nhất nguyên lý làm cơ sở cho lập luận trên?
A. Trẻ em nên được điều trị nha khoa miễn phí, ngay cả khi chúng ăn đồ ngọt gây sâu răng.
B. Những người mắc bệnh tim có đủ khả năng chi trả cho việc điều trị sức khỏe không nên được điều trị miễn phí.
C. Những người hút thuốc không đủ khả năng chi trả cho việc chăm sóc sức khỏe nên được phép điều trị miễn phí khi họ bị ốm.
D. Những người bị thương trong tai nạn xe hơi sẽ được điều trị miễn phí bất kể họ có thắt dây an toàn hay không.
E. Người đi xe máy bị thương ở đầu do không đội mũ bảo hiểm nên đóng góp tài chính cho việc điều trị của họ.

-----------------------------

Trả lời và giải thích

Kết luận của lập luận này là những người hút thuốc mắc bệnh tim do hút thuốc sẽ không được điều trị sức khỏe miễn phí. Lý do được đưa ra cho điều này là căn bệnh của họ là do họ tự gây ra. Lý do này dựa trên nguyên lý chung là nếu hành động của bạn gây ra bệnh tật hoặc thương tích cho bạn, bạn nên đóng góp tài chính cho việc điều trị của mình.

Đáp án đúng là E, áp dụng nguyên lý cho người đi xe máy không đội mũ bảo hiểm gây chấn thương đầu.

A không phải là một áp dụng của nguyên lý, bởi vì nó gợi ý rằng ngay cả khi hành động của một đứa trẻ (ăn đồ ngọt) gây ra vấn đề về sức khỏe (sâu răng), đứa trẻ vẫn nên được điều trị miễn phí.

B không phải là một áp dụng của nguyên lý, bởi vì nó tạo ra một đề xuất dựa trên khả năng chi trả cho việc điều trị của mọi người, thay vì dựa trên việc liệu hành động của họ có gây ra bệnh tật cho họ hay không.

C không phải là một áp dụng của nguyên lý, bởi vì, giống như B, nó chỉ đưa ra khuyến nghị về khả năng thanh toán.

D không phải là một áp dụng của nguyên lý vì nó khuyến nghị điều trị miễn phí bất kể hành động của mọi người có góp phần gây ra thương tích cho họ hay không.

- 1
Bình luận (0)
CÔNG BỐ KẾT QUẢ CHƯƠNG TRÌNH "KHẢO SÁT CHẤT LƯỢNG ĐẦU NĂM HỌC"
CÔNG BỐ KẾT QUẢ CHƯƠNG TRÌNH "KHẢO SÁT CHẤT LƯỢNG ĐẦU NĂM HỌC"
Chào các bạn học sinh của OLM, vậy là chương trình “Khảo sát chất lượng đầu năm” dành cho các bạn từ lớp 2 đến lớp 9 của OLM đã kết thúc với tổng 3325 bạn tham gia.
14 tháng 9 2023 lúc 15:38
[MIỄN PHÍ] CHƯƠNG TRÌNH KHẢO SÁT CHẤT LƯỢNG TOÁN - VĂN/ TIẾNG VIỆT - TIẾNG ANH ĐẦU NĂM HỌC 2023 - 2024
[MIỄN PHÍ] CHƯƠNG TRÌNH KHẢO SÁT CHẤT LƯỢNG TOÁN - VĂN/ TIẾNG VIỆT - TIẾNG ANH ĐẦU NĂM HỌC 2023 - 2024
Từ ngày 29/08 đến hết ngày 09/09, OLM chính thức mở cổng đăng ký chương trình Khảo sát chất lượng đầu năm học 2023-2024 môn Toán – Ngữ văn/ Tiếng Việt - Tiếng Anh dành cho học sinh lớp 2 đến lớp 9 trên cả nước.
28 tháng 8 2023 lúc 14:12
Danh sách các trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả kỳ thi ĐGNL để xét tuyển (cập nhật 2023)
Danh sách các trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả kỳ thi ĐGNL để xét tuyển (cập nhật 2023)
Danh sách các trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả kỳ thi ĐGNL để xét tuyển
29 tháng 3 2023 lúc 15:40
Danh sách các trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả kỳ thi ĐGNL để xét tuyển
Danh sách các trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả kỳ thi ĐGNL để xét tuyển
Danh sách các trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả kỳ thi ĐGNL để xét tuyển
29 tháng 3 2023 lúc 15:39
HƠN 88 NGÀN THÍ SINH THAM GIA KỲ THI ĐGNL ĐHQG TP.THCM ĐỢT 1 NĂM 2023
HƠN 88 NGÀN THÍ SINH THAM GIA KỲ THI ĐGNL ĐHQG TP.THCM ĐỢT 1 NĂM 2023
HƠN 88 NGÀN THÍ SINH THAM GIA KỲ THI ĐGNL ĐHQG TP.THCM ĐỢT 1 NĂM 2023
29 tháng 3 2023 lúc 10:58
Thang tư duy Bloom trong dạy học và đánh giá năng lực
Thang tư duy Bloom trong dạy học và đánh giá năng lực
Thang tư duy Bloom được sử dụng phổ biến để đặt ra mục tiêu dạy học và phân loại mức độ các câu hỏi, bài tập trong kiểm tra, đánh giá năng lực
23 tháng 3 2023 lúc 11:06
Nguyên tắc kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh
Nguyên tắc kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh
Nguyên tắc kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh
15 tháng 3 2023 lúc 16:23
Đánh giá năng lực khác gì với đánh giá kiến thức, kĩ năng?
Đánh giá năng lực khác gì với đánh giá kiến thức, kĩ năng?
Đánh giá năng lực khác gì với đánh giá kiến thức, kĩ năng?
15 tháng 3 2023 lúc 15:41
Hướng dẫn nhà trường sử dụng OLM - ĐGNL
Hướng dẫn nhà trường sử dụng OLM - ĐGNL
Hướng dẫn nhà trường sử dụng OLM - ĐGNL
8 tháng 3 2023 lúc 18:07
Lịch tổ chức các đợt thi thử của OLM-ĐGNL
Lịch tổ chức các đợt thi thử của OLM-ĐGNL
Lịch thi các đợt thi thử của OLM các kì thi Đánh giá năng lực, tốt nghiệp trung học phổ thông
8 tháng 3 2023 lúc 17:26